Anh Phạm Quốc Việt (37 tuổi) – người sáng lập đội hỗ trợ sơ cứu FAS Angel, trong quá khứ từng “đánh mất chính mình”, thậm chí từng trải qua những biến cố nguy hiểm đe dọa tới tính mạng đã thấu hiểu được sự cô đơn khi bị bỏ rơi không ai giúp đỡ khi gặp nạn và hành trình sơ cứu miễn phí cho những người bị nạn lúc nguy nan.
Anh Phạm Quốc Việt – người sáng lập đội hỗ trợ sơ cứu FAS Angel
FAS ANGEL – ĐỨA CON TINH THẦN CỦA ANH VIỆT
Phóng viên: Anh có thể chia sẻ cho mọi người được biết về quá trình thành lập đội cứu hộ FAS Angel và ý nghĩa của cái tên “FAS Angel” này?
Anh Phạm Quốc Việt:
– Năm 2016 trong một lần bị tai nạn, tôi đã hiểu được sự sợ hãi cũng như nỗi cô đơn của một người bị nạn bị bỏ rơi không ai giúp đỡ kinh khủng như thế nào. Sau sự việc ấy, tôi ấp ủ và nung nấu ý chí rằng: “Mình sẽ trở thành một người có thể giúp đỡ những người bị nạn”. Tôi nghĩ đây cũng là một trong những khía cạnh cần được chăm sóc bên cạnh việc chăm sóc tâm lý, thể xác của nạn nhân. Tôi đã tìm hiểu, nghiên cứu và biết được đó là sơ cấp cứu ngoại viện – một trong những điều còn thiếu của xã hội hiện tại. Trong suốt khoảng thời gian từ 2017 đến 2019, tôi tham gia rất nhiều đoàn thiện nguyện khác nhau để hiểu về các cách hoạt động cũng như cách “cho” đi của họ. Cuối cùng tôi đã chọn một công việc thiện nguyện khó nhất đó chính là hỗ trợ sơ cứu cho những người bị tai nạn giao thông hoặc đơn giản là những người bị tai nạn, tổ chức ra một đội thực sự phối hợp chuyên nghiệp để có thể có thể hỗ trợ cho những trường hợp khẩn cấp. Tôi đã lựa chọn trau dồi kiến thức, trải nghiệm và không cho phép mình xảy ra sai sót trong vấn đề điều hành cũng như là hoạt động của FAS Angel. Đến tháng 9/2019, tôi quyết định thành lập ra đội hỗ trợ sơ cứu FAS Angel.
– FAS là một cụm từ viết tắt của First Aid Support – Hỗ trợ sơ cứu ban đầu. Việc sơ cứu ban đầu rất quan trọng và cần thiết, nó có thể quyết định tới sự sống còn của nạn nhân. Từ Angel với tôi có 3 ý nghĩa. Thứ nhất, nếu như cứu được một ai đó thì hãy cứ tự hào rằng mình giống như một vị thần hay một thiên thần hộ mệnh đã giúp đỡ họ lúc khó khăn lúc hoạn nạn. Thứ hai, nếu không giúp được những người bị nạn, không may họ tử nạn thì hãy nghĩ rằng mình giống như những thiên thần ở bên cạnh họ, không để họ cô đơn khi họ ra đi. Thứ ba, đây là thông điệp mà tôi muốn nói luôn với những người trong FAS Angel và cả những người làm thiện nguyện khác đó là hãy làm công việc thiện nguyện trong sáng như thiên thần không vụ lợi.
Phóng viên: Hiện tại FAS Angel đã có khoảng bao nhiêu thành viên và bao nhiêu điểm trực? FAS Angel phối hợp với nhau như thế nào để có thể tiếp cận thông tin và hiện trường một cách nhanh nhất?
Anh Phạm Quốc Việt:
– FAS Angel có 150 tình nguyện viên trong có 40-50 tình nguyện viên nòng cốt, 12 trưởng vùng, 5 phòng ban và có khoảng 30.000 cộng tác viên (CTV) ở toàn địa bàn thành phố Hà Nội, trong đó có 4000 cộng tác viên (CTV) nòng cốt ở trong các nhóm để báo tin kịp thời, sau đó ở lại hỗ trợ cho họ cho đến khi mà lực lượng cấp cứu đến hoặc là lực lượng của FAS Angel đến.
– Tại Hà Nội, FAS Angel có 4 điểm trực lớn: Trần Vỹ, Ngã Tư Sở, Hoàng Quốc Việt, Sân vận động Mỹ Đình. Ngoài ra còn có các điểm trực nhỏ do các bạn CTV đảm nhiệm. Như vậy sẽ rất dễ để chúng tôi nhận tin và phân chia lực lượng di chuyển. Ngoài ra mọi người có thể gửi hình ảnh và vị trí cho đội cứu hộ qua tổng đài/zalo số 0822510627, hoặc mọi người cũng có thể nhắn tin qua trang fanpage trực 24/24 “FAS Angel – Hỗ Trợ Sơ Cứu”. Từ những hình ảnh mọi người gửi, chúng tôi sẽ có những phương án phù hợp như sử dụng phương tiện nào, chuẩn bị dụng cụ nào, đội xe máy hay đội ô tô sẽ đến đó tiếp cận. Như thế sẽ kịp thời hơn và đây cũng là một trong những điều mà CTV hay người đi đường cần lưu ý khi báo tin cho FAS Angel.
Phạm Quốc Việt: “Tôi mong rằng sẽ không có ai bị bỏ rơi”
Phóng viên: Có phải các thành viên của đội đều được trang bị những kỹ năng sơ cứu cơ bản? Công việc của FAS Angel diễn ra như thế nào?
Anh Phạm Quốc Việt:
– Tất cả những tình nguyện viên hay đội viên đều phải có kỹ năng cơ bản để sơ cứu và đều có giấy chứng nhận đã được đào tạo một khóa về sơ cứu do tổ chức đào tạo về sơ cứu cấp. Cho nên, những bạn được cử đi học nhất định các bạn sẽ phải có kỹ năng cơ bản để tham gia công tác hỗ trợ sơ cứu.
– Công việc của FAS Angel sẽ lấy khá nhiều thời gian của mọi người vào buổi tối. Như bản thân tôi làm lâu năm rồi thì tôi muốn tối nào mình cũng ra điểm trực. Và có lẽ đó mới là công việc mà tôi muốn – công việc của của sự thiện tâm- công việc của những người đồng tâm họ gắn lại gần nhau hơn. Trong suốt quãng thời gian hoạt động cách duy nhất mà tôi có thể huấn luyện cho đội viên của mình cảm nhận về công việc đó là đưa ra các câu nói: “Hãy coi nạn nhân như người thân của bạn, bạn sẽ vượt qua mọi khó khăn để giúp họ”, hoặc là “Tôi không bỏ đi khi bạn gặp nạn vì một ngày kia khi tôi bị nạn sẽ có người giúp tôi”. Đó là những niềm tin mà tôi muốn truyền đạt tới mọi người và đó cũng là những niềm tin mà tôi thật sự cần phải được thấu hiểu nhiều hơn từ phía cộng đồng.
Phóng viên: Sau 5 năm FAS Angel đi vào hoạt động thì tổ chức của mình đã và đang có những bước thay đổi như thế nào?
Anh Phạm Quốc Việt:
– Từ một anh chàng chỉ có một chiếc xe máy kêu gọi được nhiều người có xe máy khác tham gia cứu hộ và cũng từ một anh chàng đó đã kêu gọi cộng đồng quan tâm nhiều hơn đến vấn đề này và có hẳn 4 chiếc xe cấp cứu trong 6 chiếc mục tiêu. Cũng từ một anh chàng sau hơn 2 năm rưỡi đi làm công việc này, một mình đã tập hợp mọi người lại thành lập ra một đội cứu hộ. Đội này đến bây giờ gần như đã có vị thế khác biệt trong lòng mọi người. Tôi nghĩ đó là một sự thành công và đó cũng là một trong những trách nhiệm thôi thúc tôi xây dựng đội lớn mạnh hơn.
Anh Việt trên chiếc xe hỗ trợ sơ cứu lưu động (Ảnh: NVCC)
CỨU NGƯỜI KHÔNG PHẢI LÀ HÀNH ĐỘNG ANH HÙNG
Phóng viên: Anh có thể nói về những khó khăn thách thức lớn nhất mà đội Fas Angel phải đối mặt trong quá trình hoạt động?
Anh Phạm Quốc Việt:
– Khó khăn lớn nhất của đội có lẽ là kinh phí. Đây là một công việc rất khó, hơn nữa đội làm việc sơ cứu hoàn toàn miễn phí không lấy của nạn nhân bất kỳ một đồng nào. Từ các nguồn kêu gọi đóng góp nhưng cũng chỉ được gần được 50%, số còn lại là tôi cố gắng để có thể duy trì sự tồn tại của đội. Từ năm 2020 đến thời điểm hiện tại, tôi làm việc tất cả mọi thứ không lương. Nếu có lương, có thưởng thì cho người khác chứ không ai chuyển thưởng ngược lại cho người sáng lập cả. Một số điều khó khăn khác như việc thành viên vào rồi lại ra, có nhiều người họ không trụ được mức độ rèn luyện. Bởi cứu người không phải là một trò kiếm lời, không phải là một trò đùa và cũng không phải là một hành động anh hùng nên nhiều người sẽ không chịu được áp lực. Tôi rất khắt khe trong vấn đề huấn luyện. Nếu sai là phải làm lại và làm lại cho đến bao giờ hết khi hết sai thôi. Tại hiện trường, các thành viên phải nhớ thật kỹ việc đó. Một bác sĩ làm sai không thể nào đứng ra nói một câu là tôi xin lỗi là xong, cho nên tôi không cho phép FAS Angel xảy ra việc sai sót. Nếu làm sai, ngay lập tức, người gánh hậu quả trực tiếp là nạn nhân, sau đó là chúng tôi. Tôi áp dụng tôn chỉ “5 Không” mà tất cả mọi người đều phải làm đó là: Không bỏ rơi – Không thu phí – Không phân biệt – Không tranh cãi – Không kết án.
Phóng viên: Trong quá trình huấn luyện và làm việc, kỹ năng nào anh cảm thấy quan trọng nhất và tại sao?
Anh Phạm Quốc Việt:
– Kỹ năng quan trọng nhất đó là tiếp cận hiện trường và trấn an tinh thần nạn nhân. Các bạn có thể là bác sĩ hoặc người sơ cứu chuyên nghiệp nhưng nếu không biết cách nắm bắt, tiếp cận hiện trường an toàn, trấn an tinh thần nạn nhân trước khi sơ cứu cho nạn nhân thì không thể làm gì được. Như Việt nói đó, cứu người không phải là một hành động anh hùng. Khi chúng ta tiếp cận nạn nhân sai cách, nạn nhân sẽ chính là mối nguy hiểm lớn nhất của chúng ta. Ví dụ, trong tình huống khẩn cấp, theo bản năng, họ có thể bật dậy và tấn công chúng ta thì chính chúng ta là người không đề phòng trước. Cho nên tiếp cận hiện trường là phải thật sự an toàn và an toàn đúng mức, kể cả đối với người nhà của chúng ta. Phải nhớ rằng là chúng ta là người sơ cứu, còn kia là nạn nhân. Do vậy, việc phải tuyệt đối tiếp cận an toàn và xử lý tình huống là cái khó nhất, còn kỹ năng sơ cứu căn bản thì ai cũng có thể học, rèn luyện được.
Bức tranh tái hiện khoảnh khắc anh Việt cứu hộ trong vụ cháy ở Khương Hạ
Phóng viên: Anh có dự định kế hoạch gì trong tương lai mở rộng mô hình của đội ra các tỉnh thành khác không?
Anh Phạm Quốc Việt:
– Theo định hướng của tôi, tôi rất sẵn sàng phát triển đội tại bất cứ nơi nào chúng tôi được đón chào với một cái tên duy nhất: FAS Angel. Tôi sẵn sàng chia sẻ, thành lập và “vun xới” cho đội tại nơi có người cam kết. Mức độ duy trì thành công của FAS Angel hiện tại đã rất là khó rồi, tôi không muốn để những mầm non không được chăm sóc mà bị chết yểu. Hiện tại, FAS Angel cũng đã hoạt động tại 9 tỉnh khác ngoài Hà Nội, bao gồm: Bắc Ninh, Bắc Giang, Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Sơn La và Điện Biên. Mặc dù quy mô ở những nơi ấy còn rất nhỏ bé nhưng một ngày nào đó họ vẫn nhìn vào cái tấm gương, bộ máy điều hành lớn nhất là Hà Nội và nhận thấy họ đã bắt đầu hoạt động vào trao giá trị cho cộng đồng. Giống như Đảng ta vậy, tôi chỉ có thể quản trị được bộ máy FAS Angel khi tất cả có sự tin tưởng vào người lãnh đạo tối cao nhất, bộ máy duy lãnh đạo duy nhất và với tư tưởng, tôn chỉ mục đích rõ ràng. Cho nên, tôi sẽ xây dựng mô hình FAS Angel ở nhiều các tỉnh khác nhưng theo một quy chế nhất định đó.
Phóng viên: Anh có thể chia sẻ về trường hợp cứu hộ mà anh cảm thấy nhớ nhất không? Có thể là kỷ niệm của riêng mình anh hoặc là kỷ niệm cùng đồng đội?
Anh Phạm Quốc Việt:
– Sự vụ tại Trung Kính và Khương Hạ là 2 vụ khủng khiếp nhất đối với những người làm công tác cứu hộ. Thiệt hại về người nhiều quá, ai cũng khiếp sợ. Nhưng có tôi là ngọn lửa tinh thần ở trong đó, tôi kêu gọi mọi người bỏ hết tất cả sự sợ hãi lòng, kêu gọi mọi người làm việc một cách cẩn trọng, tìm bằng được nạn nhân. Mặc dù tôi chỉ là người bình thường, thế nhưng tinh thần của tôi mang đến cho mọi người sự yên tâm và song hành cùng lực lượng phòng cháy chữa cháy. Thành công nhất, đáng nhớ nhất đối với tôi chính là cứu được hơn 12 người trong đám cháy ở Khương Hạ. Sau vụ Khương Hạ tôi cũng có những nỗi buồn, tôi mất đi rất nhiều các bạn CTV. Tôi cũng hiểu rằng các bạn ấy khó có thể vượt qua được cú sốc, nỗi sợ khi chứng kiến cảnh hàng chục người nằm ở chân mình, ôm chuyển các thi thể ra bên ngoài. Những người được cứu cũng quay lại cảm ơn đội. Thật sự tôi rất kỳ vọng những vụ cháy đau thương như thế sẽ không xảy ra thêm lần nào nữa. Tất nhiên đây là một trong những kỳ vọng rất khó nếu như cộng đồng không có ý thức về vấn đề an toàn phòng chống cháy nổ nơi mình sinh sống thì đây là điều cực kỳ khó.
Phóng viên: Anh có thông điệp gì muốn nhắn gửi tới những người muốn tham gia FAS Angel cũng như là cộng đồng trong việc tham gia cứu hộ, cứu nạn?
Anh Phạm Quốc Việt:
– Trước khi xác định vào đây thì các bạn phải tìm hiểu thật kỹ về FAS, khi quyết định vào làm việc thì chấp nhận công việc đó, bỏ đi cái tôi của bản thân và có sự sẵn sàng, và FAS Angel cũng thế, phải bỏ đi cái tôi của bản thân và cần có sự sẵn sàng để giúp đỡ nạn nhân.
– Đối với cộng đồng khi muốn tham gia cứu hộ, cứu nạn trước hết mọi người cần có kiến thức vững vàng và biết cách xử lý tình huống. Như tôi đã nói cứu người không phải là một hành động anh hùng. Nếu mọi người chưa có kiến thức sơ cứu thì hãy thường xuyên tham gia các workshop về các kỹ năng này do FAS Angel tổ chức. Các lớp học đào tạo hoàn toàn miễn phí 100%. Tôi nghĩ rằng là mỗi người chúng ta cũng đều cảm nhận một cách rất rõ ràng, đó là chúng ta phải sống dựa vào nhau, dựa cộng đồng, phải tin vào cộng đồng, phải yêu cộng đồng, phải quan tâm lẫn nhau giữa cộng đồng một cách chủ động và con người cũng phải tin vào con người, phải biết quan tâm lẫn nhau như thế cuộc sống mới trở nên tốt hơn.
Cảm ơn anh đã chia sẻ với chúng tôi.
Nhóm PV