Thành phố thông minh là xu hướng tất yếu của thế giới. Tại Việt Nam, Viettel là một trong những đơn vị tiên phong cung cấp, triển khai ứng dụng công nghệ xây dựng mô hình tiên tiến này.
Gần 30 địa phương hợp tác cùng Viettel xây dựng đô thị thông minh
Nắm bắt xu thế xây dựng đô thị thông minh trên thế giới cùng làn sóng chuyển đổi số mạnh mẽ tại Việt Nam, Viettel đã nghiên cứu và ra mắt mô hình thành phố thông minh (Viettel IOC). Qua đó, Viettel mong muốn đồng hành cùng các địa phương xây dựng “bộ não số” điều hành toàn bộ hoạt động quản lý, giám sát, phục vụ nhân dân.
Theo thống kê tính đến hết tháng 10/2021, Viettel đã tham gia tổng cộng 28 dự án xây dựng và vận hành mô hình thành phố thông minh. Cụ thể, 9 dự án đã đi vào hoạt động, số còn lại hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm.
Dẫn chứng mô hình IOC triển khai tại Thái Nguyên, người dân có thể tham gia cùng chính quyền trong công tác quản lý, giám sát xã hội. Đây là một trong những mô hình thành phố thông minh thành công được Viettel triển khai tại nhiều địa phương trên cả nước.
“Người dân đã dần dần trở thành công dân số, công dân thông minh và tham gia và quá trình chuyển đổi số cũng như là xây dựng thành phố thông minh. Trong công tác quản lý điều hành, chúng tôi có thông tin có thể đánh giá được cán bộ công khai minh bạch thủ tục hành chính giúp cho công việc quản lý, điều hành kinh tế một cách hiệu quả” – Bà Nguyễn Thanh Hải, Bí thư tỉnh ủy Thái Nguyên cho hay.
Những “điểm sáng” giúp Viettel IOC được vinh danh trên trường quốc tế
Không chỉ hứa hẹn mang đến tiện ích mới và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, việc xây dựng đô thị thông minh được đánh giá là một trong những nhân tố hàng đầu giúp các thành phố nhanh chóng phục hồi sau tác động của đại dịch Covid-19. Điều này có thể thấy rõ qua sự phát triển và ứng dụng công nghệ tiên tiến vào các nền tảng dịch vụ công trực tuyến, y tế, giáo dục, giao thông thông minh.
Tuy nhiên, nhu cầu xây dựng mô hình đô thị thông minh tại mỗi địa phương lại khác nhau. Viettel cho biết, mô hình thành phố thông minh là giải pháp được thiết kế với 14 trung tâm thành phần, sẽ được “may đo” để phù hợp với nhu cầu, thực trạng, văn hóa của từng địa phương, giúp tối ưu hóa chi phí, nguồn lực. Có thể nói, tính địa phương hóa trong kế hoạch triển khai ứng dụng mô hình đô thị thông minh là ưu điểm của Viettel so với các nhà cung cấp nước ngoài.
Nhờ nhiều điểm vượt trội, vừa qua, mô hình thành phố thông minh do Viettel phát triển đã vinh dự được Ban tổ chức Giải thưởng Truyền thông thế giới (WCA 2021) công nhận là giải pháp hiệu quả và sáng tạo nhất thế giới. Năm nay, Viettel là đại diện duy nhất tại Việt Nam có tên trong danh sách đề cử và thắng giải WCA 2021, vượt trên nhiều “ông lớn” khu vực như KT Corporation, China Telecom Global…
Dự kiến đến năm 2025, Viettel IOC phấn đấu mục tiêu sẽ triển khai dịch vụ cho 41 khách hàng trên cả nước.
Nêu quan điểm về tiềm năng triển khai mô hình rộng khắp các tỉnh thành trên toàn quốc trong thời gian tới, ông Nguyễn Mạnh Hổ – Tổng Giám đốc Viettel Solutions nhận định: “Tôi tin rằng, mô hình Viettel IOC sẽ góp phần tích cực để thay đổi bức tranh đô thị tại đại phương theo đúng tinh thần chuyển đổi số, xây dựng chính phủ điện tử tại từng địa phương. Theo xu hướng phát triển tới, Viettel IOC sẽ giải quyết các bài toán lớn nhờ việc khai thác và phân tích các dữ liệu khổng lồ từ các điểm tiếp nhận phát sinh trên địa bàn đô thị thông qua các công nghệ 4.0 hiện đại. Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư nguồn lực công nghệ để mở rộng phạm vi, nguồn dữ liệu phân tích, giúp các hệ thống xử lý hiệu quả. Đồng thời, Viettel sẽ nâng cấp cải tiến công nghệ quan trọng, giúp cho toàn bộ bộ máy chính quyền từ cá nhân đến tổ chức cùng vào cuộc, đặc biệt các vấn đề liên quan đến người dân được giải quyết kịp thời, đưa địa phương đó trở thành đô thị đáng sống”.
Nguồn: https://cafef.vn/thanh-pho-thong-minh-suc-bat-moi-cua-dia-phuong-trong-ky-nguyen-so-20211115105822609.chn