Tại phiên thảo luận, các tổ chức, các Hiệp hội, doanh nghiệp,…cùng trao đổi về các lĩnh vực quan trọng trong quan hệ thương mại, kinh tế và kinh doanh giữa Nga và Việt Nam.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Timur Sadykov, Tổng lãnh sự Liên bang Nga tại TP.HCM, cho biết: Kim ngạch thương mại giữa Nga và Việt Nam trong năm 2023 chỉ đạt gần 5 tỷ USD, nhưng vẫn có thể tăng lên 15-20 tỷ USD trong thời gian tới.
Kỳ vọng tăng trưởng này được Thương vụ Việt Nam tại Nga đánh giá là hai nền kinh tế mang tính bổ trợ cho nhau. Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm của Nga để phục vụ sản xuất và tiêu dùng (than đá, kim loại, phân bón, xăng dầu, khí hóa lỏng, thiết bị máy móc, thực phẩm, thủy sản, gỗ…). Trong khi đó, Nga nhập khẩu từ Việt Nam các sản phẩm nông sản nhiệt đới, thủy sản, thực phẩm, đồ uống, hàng dệt may, giày, hàng điện tử, thiết bị máy móc, hàng tiêu dùng…Ngoài ra, cũng theo Thương vụ Việt Nam tại Nga, việc các doanh nghiệp phương Tây rút khỏi Nga đã tạo ra khoảng trống trên thị trường. Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu, đầu tư vào Nga trong các lĩnh vực như chế biến nông sản, thực phẩm, đồ uống, thủy sản, may mặc, sản xuất đồ gỗ, đồ gia dụng…
Ngoài ra, lợi thế nữa đối với các doanh nghiệp Nga, cần vận dụng ưu đãi do các Hiệp định Hiệp định thương mại tự do (FTA) của Việt Nam mang lại, trong đó có Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU), tăng cường đầu tư sản xuất các sản phẩm Nga có thế mạnh tại Việt Nam để xuất khẩu ngược về Nga và các nước Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) hoặc sang các thị trường khác mà Việt Nam có FTA…Với những lợi thế này, nhiều nhóm hàng xuất khẩu tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao như: Hàng thủy sản, hạt điều, hạt tiêu, hàng dệt may…Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan cho hay, trong 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Nga đạt gần 2 tỷ USD, tăng trên 51 % so với cùng kỳ năm 2023.
Thương vụ Việt Nam tại Nga nhấn mạnh thêm, để tìm hiểu thị trường, tìm kiếm khách hàng tại thị trường Nga, các doanh nghiệp nên trực tiếp tham dự (trưng bày sản phẩm) hoặc tham quan các triển lãm chuyên ngành lớn của Nga. Đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam thành công sau khi tham dự triển lãm. Tuy nhiên, Thương vụ Việt Nam tại Nga cũng thừa nhận, hợp tác kinh tế – thương mại giữa hai nước đang đứng trước các thử thách rất lớn trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn. Mặc dù các cơ quan chức năng cả hai bên đã có nhiều nỗ lực nhưng kim ngạch thương mại song phương vẫn giảm sâu, phục hồi chậm, nhiều dự án đầu tư song phương gặp khó khăn trong triển khai cả ở Việt Nam và Nga. Vì vậy, Thương vụ Việt Nam tại Nga sẵn sàng phối hợp hỗ trợ các doanh nghiệp sang tìm hiểu thị trường, xúc tiến thương mại tại Nga.
Ông Igor Pavlov, Phó Giám đốc Quỹ Roscongress nhấn mạnh: “Các sự kiện của Quỹ Roscongress mang đến cho các công ty nước ngoài nhiều cơ hội tương tác với các doanh nghiệp Nga, cũng như vạch ra những hướng hợp tác mới. Đây là những nền tảng thuận lợi cho các cuộc thảo luận quan trọng và thúc đẩy việc ký kết các thỏa thuận kích thích tăng trưởng – phát triển kinh tế. Chúng tôi cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đối thoại và quan hệ đối tác cùng có lợi nhằm mang lại lợi ích đáng kể cho cả doanh nghiệp Nga và Việt Nam”.