Dự án hợp tác này thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của cả hai bên trong việc hỗ trợ ngành thu gom rác phi chính thức tại Đà Nẵng trong ba lĩnh vực chính: Mở rộng phạm vi tiếp cận của Mạng Lưới Người Thu Gom, cung cấp hỗ trợ và lợi ích thiết yếu cho các thành viên, đồng thời nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của những người thu gom rác phi chính thức trong xã hội.
Chỉ trong vòng 6 tháng của dự án, nỗ lực hợp tác này đã giúp gia tăng số lượng người thu gom rác thải phi chính thức trong cơ sở dữ liệu của Mạng Lưới Người Thu Gom lên 19% và đóng góp phát triển một mạng lưới rộng lớn với tổng số hơn 1.466 thành viên. Bên cạnh đó, có 06 buổi đào tạo về An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp (OSH) đã được tổ chức trên toàn Thành phố Đà Nẵng. Các buổi đào tạo này đã trang bị cho các thành viên những kiến thức cần thiết để giảm thiểu rủi ro liên quan đến việc thu gom rác thải, đảm bảo an toàn khi làm việc.
Cụ thể đã có hơn 239 người thu gom rác thải phi chính thức đã tham gia các khóa đào tạo này, nhận được bộ thiết bị bảo hộ lao động cá nhân bao gồm mũ, khẩu trang, găng tay, áo phản quang và túi đựng có dây kéo cỡ lớn. Đồng thời, mỗi người tham gia đều được hỗ trợ vận chuyển để các thành viên có thể tham gia các buổi đào tạo đầy đủ. Bên cạnh chương trình đã cung cấp các vật dụng, đào tạo kỹ năng cho người thu gom, trong tháng 4/2024, dự án đã cung cấp bảo hiểm y tế cho 50 thành viên, những người gặp khó khăn trong việc chi trả dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản.
“Chúng tôi rất vui khi được tham gia vào Mạng Lưới Người Thu Gom. Chúng tôi chưa bao giờ biết đến những hình thức hỗ trợ như nhận các vật phẩm tài trợ hay tìm hiểu về những phế liệu chúng tôi có thể thu gom để tăng thêm thu nhập”, bà Vân, một người thu gom rác ở Đà Nẵng và là thành viên của Mạng Lưới Người Thu Gom cho biết. “Chúng tôi rất biết ơn những cơ hội như thế này, đặc biệt là ở lĩnh vực nơi mà sự hỗ trợ dành cho những người lao động như chúng tôi là vô cùng hiếm hoi.”
Ngoài ra, dự án cũng đã thực hiện chương trình “Thu hồi rác tái chế tại các cơ quan, doanh nghiệp, và các cơ sở kinh doanh”. Thông qua chương trình này, các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh được tư vấn và hướng dẫn về quản lý hệ thống rác thải của đơn vị cũng như phân loại rác thải tại nguồn.
Dự án kết nối những người thu gom phế liệu địa phương để hỗ trợ công tác phân loại rác tại doanh nghiệp và đổi lại những người thu gom sẽ nhận các rác tài nguyên đã được phân loại hoàn toàn miễn phí. Từ đầu chương trình đến cuối tháng 03/2024, đã có 05 doanh nghiệp tham gia vào chương trình, cung cấp một nguồn thu nhập bền vững cho người thu gom rác thải phi chính thức tham gia thông qua việc thu gom rác có thể tái chế.
Được biết, chương trình này được xây dựng theo phương thức đôi bên cùng có lợi, khi các doanh nghiệp hưởng lợi từ một hệ thống quản lý rác được tinh chỉnh, trong khi người thu gom có được một nguồn thu nhập ổn định, và cuối cùng thúc đẩy các thực hành quản lý rác có trách nhiệm, mang lại lợi ích cho cả môi trường và nền kinh tế địa phương.
Ông Bùi Khánh Nguyên, Phó Tổng Giám đốc Đối ngoại, Truyền thông và Phát triển Bền vững của Công ty TNHH Nước Giải Khát Coca-Cola Việt Nam chia sẻ, “Mặc dù có những đóng góp đáng kể nhưng công việc của những người thu gom rác thải phi chính thức ít nhận được sự quan tâm và thấu hiểu. Điều cần thiết là cung cấp cho những người thu gom này cơ hội nâng cao sinh kế và hỗ trợ họ chuyển sang lĩnh vực quản lý chất thải chính thức. Thông qua việc hợp tác cùng Mạng Lưới Người Thu Gom, chúng tôi muốn tăng cường tác động của tầm nhìn toàn cầu về một ‘Thế Giới Không Rác Thải’. Thêm vào đó, chúng tôi có cơ hội kết nối cùng những người thu gom rác thải phi chính thức, ghi nhận vai trò then chốt của họ như những anh hùng thầm lặng trong các nỗ lực thu gom, phân loại và tái chế rác thải, tất cả đều góp phần hiện thực hóa nền kinh tế tuần hoàn và quá trình khử cacbon.”
Mạng Lưới Người Thu Gom được thành lập bởi doanh nghiệp xã hội ReForm Plastic vào năm 2022 hướng tới mục tiêu giải quyết các nhu cầu của lĩnh vực rác thải phi chính thức đồng thời tăng cường và làm sâu sắc các tác động đối với nhóm lao động dễ bị tổn thương này.