Thực hiện theo Nghị quyết số 31/2021/QH15 ngày 12/11/2011 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025 của Quốc hội ban hành, chiều 7/8 tại Hà Nội, Tạp chí Tài chính doanh nghiệp, phối hợp với các bên liên quan tổ chức “Diễn đàn đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam”.
Trong bối cảnh kinh tế đang thay đổi nhanh chóng hiện nay, mặc dù tại Việt Nam đang có những chuyển biến tích cực hơn. Cụ thể, mức tăng trưởng đã đạt 6,42% trong nửa đầu năm 2024, các chuyên gia trong ngành đang dự đoán tăng trưởng GDP cả năm có thể chạm mốc gần 7%. Tuy nhiên hiện tại mô hình tăng trưởng vẫn chưa tạo được chuyển biến căn bản, năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh chưa cao, nền kinh tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro do sự phụ thuộc vào nguyên vật liệu nhập khẩu.
Tổng biên tập Tạp chí Tài chính doanh nghiệp Hà Khắc Minh phát biểu khai mạc diễn đàn.
Phát biểu Khai mạc Diễn đàn, Tổng biên tập Tạp chí Tài chính doanh nghiệp Hà Khắc Minh nhiệt liệt chào mừng và cảm ơn quý vị đại biểu, các vị khách quý, các cơ quan báo chí đã đến tham dự Diễn đàn đổi mới mô hình tăng trưởng.
Theo ông Hà Khắc Minh, chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế đã được Đảng ta nêu ra ở Đại hội lần thứ XI và được bổ sung phát triển ở các kỳ Đại hội XII và XIII.
Tại Đại hội XIII của Đảng yêu cầu: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng kinh tế, chuyển mạnh nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”. Đây là quan điểm mang tính định hướng chiến lược lâu dài của Đảng ta về đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Việc đổi mới mô hình tăng trưởng của nước ta nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh, phát triển nhanh và bền vững toàn diện kinh tế, xã hội và môi trường. Không thúc đẩy tăng trưởng bằng mọi giá, gây nên những tác động xấu. Đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chú trọng và dựa nhiều hơn vào các nhân tố thúc đẩy tăng năng suất lao động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực và thành tựu khoa học – công nghệ của nhân loại, mọi tiềm năng, lợi thế của các ngành, lĩnh vực, các địa phương và cả nước.
Ngày 10/7/2024 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 108/NQ-CP tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2024 và hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương (Nghị quyết 108). Trong đó nêu rõ, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm và trong thời gian tới như sau: Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; Quyết liệt đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; Chú trọng thực hiện thực chất, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh.
Trên thực tế, trong nửa đầu năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng ở mức 6,42% trong nửa đầu năm 2024. Các chuyên gia cho rằng tăng trưởng GDP cả năm 2024 có thể chạm mốc gần 7% sau khi Việt Nam có quý tăng trưởng vượt tiềm năng thứ 4 liên tiếp…
Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng chưa tạo được chuyển biến căn bản; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao. Kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn một số rủi ro, nền tảng vĩ mô chưa thực sự vững chắc, nền kinh tế có độ mở cao và phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu.
Tổng biên tập Hà Khắc Minh nêu rõ, để có đầy đủ thông tin tham mưu cho các cơ quan chức năng giải quyết những khó khăn, vướng mắc, khắc phục tình trạng trên, Tạp chí Tài chính doanh nghiệp phối hợp với các bên liên quan tổ chức “Diễn đàn đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam”.
Các khách mời đàm thoại tại Diễn đàn.
PGS. TS. Bùi Quang Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho hay, mô hình tăng trưởng kinh tế thể hiện một quốc gia phát triển nhanh/chậm, dựa vào động lực nào và yếu tố nào là chính, cơ cấu có hiện đại hay không, chất lượng/không chất lượng của tăng trưởng như thế nào?
Theo ông Tuấn, hiện nay đóng góp của vốn và vốn con người có xu hướng gia tăng. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) và đóng góp của lao động vào tăng trưởng GDP có xu hướng giảm theo thời gian. Do đó, đầu tư vẫn là nhân tố chủ yếu dẫn dắt tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy bởi vốn con người hơn là tích lũy yếu tố đầu vào lao động.
Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng vẫn dựa vào lao động giá rẻ, tồn tại nền kinh tế nhị nguyên (nước ngoài và trong nước), lan tỏa của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài còn hạn chế, nhất là năng lực công nghệ. Đóng góp của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng còn ít. Chưa cải thiện nhiều về năng suất lao động 2016-2020 tăng bình quân 5,8%/năm, 2011 – 2015 tăng 4,3%, vẫn chậm…
Ngoài ra, mô hình tăng trưởng chưa xanh, chưa đóng góp nhiều cho phát triển bền vững (ví dụ năng lượng tái tạo, ô nhiễm môi trường (đặc biệt rác thải nhựa), phát thải khí nhà kính…). Tăng trưởng xanh hầu như chưa thực hiện được bao nhiêu. Kinh tế tuần hoàn còn mới manh nha, chưa phát triển. Kinh tế biển xanh còn đang ở dạng tiềm năng là chính…
Chương trình có sự đồng hành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), nhằm mục đích thúc đẩy các sáng kiến đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam, tập trung vào việc tìm kiếm các giải pháp sáng tạo và hiệu quả nhằm tối ưu hóa quá trình phát triển.
Toàn cảnh Diễn đàn.
Chương trình này sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp, các chuyên gia thảo luận về những thách thức và cơ hội trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đồng thời đề xuất các chiến lược và chính sách để cải thiện khả năng cạnh tranh và bền vững của nền kinh tế. Bằng cách kết hợp các quan điểm đa dạng và sáng kiến mới, diễn đàn hướng tới việc xây dựng một lộ trình phát triển kinh tế linh hoạt và toàn diện cho Việt Nam.
Diễn đàn sẽ tập trung vào các nội dung quan trọng như: Đánh giá hiện trạng mô hình tăng trưởng và định hướng phát triển; Các giải pháp đổi mới mô hình tăng trưởng; Đổi mới mô hình tài chính và tăng cường hệ thống ngân hàng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; mô hình doanh nghiệp chuyển đổi kép và vai trò của khởi nghiệp sáng tạo trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh việc thảo luận và đưa ra các giải pháp, chương trình còn là nơi để tạo cơ hội cho các chuyên gia, nhà quản lý và các nhà nghiên cứu chia sẻ những quan điểm và kinh nghiệm quý báu. Đây sẽ là một diễn đàn quan trọng để thúc đẩy sự hợp tác giữa các bên liên quan và tìm kiếm những phương án khả thi nhằm nâng cao hiệu quả mô hình tăng trưởng, đồng thời đóng góp vào sự phát triển bền vững và thịnh vượng của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới.
Kim Anh