Đó thực sự là một cuộc chiến sinh tồn
“Giờ được phép chạy lại thì chúng tôi không thể không chạy dù biết rõ càng chạy sẽ càng lỗ. Không chạy sợ mất lốt, mất khách quen nhưng càng chạy càng lo. Chưa bao giờ vận tải khách đường bộ lại ế ẩm như hiện nay” – Giám đốc Công ty TNHH MTV Ninh Quỳnh Nguyễn Duy Ninh (chủ sở hữu nhà xe Ninh Quỳnh) tâm sự.
Ông Nguyễn Duy Ninh khẳng định, với tình trạng vắng khách trong thời gian qua, ngay cả khi xăng dầu chưa tăng giá, các nhà xe đã phải chịu lỗ bởi giá vé bán ra không thể bù lại chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ như lương lái xe, lãi vay ngân hàng, khấu hao tài sản, chi phí hoạt động doanh nghiệp, phí đường bộ… Với việc giá xăng dầu tăng phi mã trong thời gian qua, chắc chắn nhiều doanh nghiệp vận tải sẽ không thể cầm cự được.
Cùng chung nỗi lo, ông Nguyễn Công Hùng – Giám đốc Công ty Taxi Mai Linh miền Bắc – cho hay, dịch COVID-19 trong thời gian vừa qua đã khiến các doanh nghiệp vận tải gặp muôn vàn khó khăn. Trong dịch, doanh nghiệp vận tải phải tạm dừng hoạt động 2 tháng.
Dịch tạm lắng xuống, doanh nghiệp được hoạt động trở lại thì phải đối mặt với nhiều lần tăng giá xăng dầu liên tiếp. Giá xăng dầu tăng khiến lái xe mất thêm thu nhập, ngại việc và bỏ việc. Nếu giá xăng dầu vẫn giữ nguyên, buộc các doanh nghiệp phải điều chỉnh giá cước. Song, điều này sẽ khiến số lượng hành khách sụt giảm mạnh hơn.
Ông Bùi Ngọc Quang – Giám đốc Công ty TNHH Quang Phát (doanh nghiệp có 15 xe chạy tuyến Bắc – Nam) – chia sẻ, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 35% cơ cấu giá thành vận tải. Khi xăng dầu tăng thêm gần 1.500 đồng/lít, tỉ lệ này tăng lên khoảng 50% với giá thành vận tải.
Doanh nghiệp có lượng xe lớn, chạy nhiều sẽ mất khoản chi phí lớn cho nhiên liệu, nhưng tăng giá cước vận chuyển không phải là điều dễ dàng khi các hợp đồng đã ký. Chưa kể, nếu tăng giá lên ngay, nhiều khách hàng dễ phản ứng, ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất, kinh doanh.
Dù vậy, ông Quang cho rằng, không thể tăng giá cước vì nếu tăng lúc này, khả năng mất khách hàng rất lớn.
Không thể tăng giá cước, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải đối mặt với tình trạng lỗ chi phí, không có tiền trả nợ ngân hàng. Trước tình trạng như vậy, ông đề nghị cơ quan quản lý nhà nước cần có những chính sách phù hợp, như giãn nợ để hỗ trợ cho doanh nghiệp vận tải.
“Cứu nguy” cho doanh nghiệp cách nào?
Theo ông Bùi Danh Liên – Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, giá xăng tăng cao sẽ có tác động rất lớn, nhất là đối với chi phí đầu vào của các ngành sản xuất và tiêu dùng trực tiếp như vận tải, đánh bắt cá xa bờ, nông nghiệp sử dụng xăng dầu… đồng thời tác động tới mặt bằng giá, dẫn tới nguy cơ lạm phát.
Để giảm nhiệt giá xăng, ông Liên cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước nên xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường thông qua mỗi lít xăng dầu. Hiện nay, mức thu loại thuế này đang khá lớn từ 3.800-4.000 đồng một lít xăng dầu.
Khi giá xăng dầu được điều chỉnh đi xuống, giá các loại hàng hoá mới quay đầu giảm và cước vận chuyển cũng sẽ được điều chỉnh hợp lý.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, ông Bùi Văn Quản cho biết hiện các doanh nghiệp trong hội điều chỉnh giá cước quanh mức 5-10%. Mức thương lượng cụ thể sẽ tùy thuộc giữa doanh nghiệp và khách hàng. Dù các doanh nghiệp đã phải điều chỉnh lại quy mô, tiết giảm bộ máy, giảm chi phí nhưng giá xăng dầu tăng đẩy giá nhiều hàng hóa tăng mạnh.
Các doanh nghiệp vận tải cho biết đang đối diện quá nhiều thách thức khi chưa kịp khôi phục lại công suất hoạt động do thiếu nguồn hàng. Khó khăn chất chồng khó khăn, giá xăng dầu tăng, doanh nghiệp đã kiệt sức nên không thể hạ giá cước.
Theo ông Quản, cách duy nhất để họ giảm bớt khó khăn là Nhà nước cần miễn hoặc giảm các loại thuế phí cho doanh nghiệp vận tải. Điển hình là phí bảo trì đường bộ và BOT, đồng thời xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường thông qua mỗi lít xăng dầu. Mức thu loại thuế này đang khá lớn từ 3.800-4.000 đồng một lít xăng dầu.
“Khi giá xăng dầu được điều chỉnh đi xuống, giá các loại hàng hóa mới quay đầu giảm và cước vận chuyển cũng sẽ được điều chỉnh hợp lý” – ông Quản đề xuất.
Trong khi đó, PGS.TS Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế cho rằng, giảm giá xăng dầu sẽ là giải pháp hữu hiệu nhất để cứu thị trường vận tải khách đường bộ vào lúc này. Để giảm được giá xăng dầu, Nhà nước có thể tính tới sử dụng 2 công cụ là là Quỹ Bình ổn xăng, dầu và thuế. Nếu sử dụng 2 chính sách này hợp lý sẽ giảm được tỉ lệ tăng của giá xăng dầu.
Nguồn: https://cafef.vn/doanh-nghiep-van-tai-van-chua-qua-con-bi-cuc-2021111709511821.chn